Hoàng Minh Châu
17/10/2020
Dự kiến, vào cuối tháng 10, du khách sẽ được trải nghiệm và khám phá Bà Rịa - Vũng Tàu bằng loại hình du lịch mới, bay khinh khí cầu.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, công ty TNHH Du lịch Sao Sài Gòn - đơn vị đầu tư khai thác dịch vụ bay khinh khí cầu đang trình kế hoạch lên UBND tỉnh. "Bộ Quốc phòng đã cấp phép bay cho đơn vị khai thác. Họ đang trình kế hoạch bay chi tiết để UNND tỉnh xem xét, phê duyệt. Có thể cuối tháng sẽ xong thì bay", ông nói.
Khi đi vào hoạt động, loại hình du lịch này sẽ tạo ra thêm sản phẩm mới, thu hút thêm khách du lịch tới Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai.
Theo kế hoạch, dịch vụ này sẽ khai thác bay mỗi ngày; tần suất bay tùy thuộc vào thời tiết đẹp hay xấu. Khinh khí cầu sẽ cất cánh tại Phú Mỹ và Bà Rịa từ 5h30 đến 6h để khách đón bình minh. Quãng đường bay khoảng 10 - 20 km, thời gian bay từ 45 - 60 phút. Mỗi khinh khí cầu phục vụ tối đa 10 khách, giá vé dự kiến từ 165 USD một khách.
"Ở độ cao khoảng 150 m, từ khinh khí cầu, du khách có thể ngắm nhìn thành phố biển Vũng Tàu hay ao hồ, sông ngòi, ruộng đồng, làng quê, rừng đến những khu đô thị đông đúc ở Phú Mỹ, Bà Rịa", ông Nguyễn Thế Kiên, Chủ tịch HĐTV đơn vị đầu tư khai thác dịch vụ bay khinh khí cầu, cho biết.
Những năm gần đây, hoạt động tham quan bằng khinh khí cầu ở Việt Nam bắt đầu phổ biến hơn. Đăc biệt, dịch vụ chủ yếu phục vụ khách vào một số dịp lễ hội tại Huế, Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM, Mộc Châu...
Nguồn: Nguyễn Nam, Vn Express
XEM THÊM
Hoàng Minh Châu
01/10/2020
Tại buổi báo cáo của Cty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn với UBND TP Vũng Tàu về Dự án đầu tư Khu Phố đi bộ - chợ đêm Vũng Tàu. Ông Vũ Hồng Thuấn - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu lưu ý chủ đầu tư cần tính toán sao cho quy mô phù hợp và có mô hình giống Singapore.
Theo đề xuất của chủ đầu tư, Khu Chợ đêm này được đầu tư dọc bờ biển và tuyến đường Thuỳ Vân, với mục đích nâng cấp loại hình dịch vụ về đêm của TP Vũng Tàu thành điểm du lịch khang trang, tạo được cảnh quan, mỹ thuật và là điểm nhấn dọc bờ biển bãi sau với các gian hàng dịch vụ được xây dựng trên nền tảng ý tưởng mới lạ, thông qua thiết kế theo chủ đề, phong cách đường phố hấp dẫn.
Bên cạnh đó, góp phần khôi phục lại hình ảnh sôi động và hấp dẫn của du lịch Vũng Tàu trong lòng du khách, hứa hẹn sẽ là điểm đến không chỉ cuối tuần mà sẽ là thường xuyên, chất lượng cao của khách du lịch khu vực phía Nam.
Chủ đầu tư cũng cho biết, mô hình này đã rất thành công tại các quốc gia phát triển du lịch trong khu vực và thế giới được bố trí ven biển, thuận tiện giao thông tiếp cận và không gian biển sẽ tạo điểm nhấn quan trọng và ấn tượng đối với du khách.
Ông Vũ Hồng Thuấn - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu khẳng định việc đầu tư Khu phố đi bộ - chợ đêm tại khu vực này sẽ tăng sự nhộn nhịp cho khu vực bãi sau vì khu này về đêm vốn không được đông đúc lắm. Tuy nhiên, ông Thuấn cũng lưu ý chủ đầu tư cần tính toán sao cho quy mô phù hợp và có mô hình giống Singapore.
“Ngoài ra cũng cần lưu ý phương án phân luồng giao thông từ 18-22h sao cho phù hợp, tránh tắc nghẽn, có giải pháp đậu xe cho du khách và cả rác thải cũng như vệ sinh môi trường trong khi hoạt động cũng như sau khi kết thúc. Bên cạnh đó, phải đặc biệt lưu ý bảo vệ cây xanh trong khu vực cũng như việc bố trí hệ thống chiếu sáng, trang trí, quầy sạp, quy chuẩn bàn ghế và vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Thuấn lưu ý chủ đầu tư.
Đại diện Công an TP Vũng Tàu đồng ý với quan điểm bảo vệ cây xanh tại khu vực chợ đêm, vì đơn vị này cho biết ý thức của người dân hiện vẫn coi thường cây xanh.
“Nhiều sự kiện diễn ra tại đây nhiều năm nay, có lực lượng công an đứng đó mà người dân còn dẫm đạp làm hư hại rất nhiều, trong khi sau này chợ đêm được diễn ra hàng đêm thì rất khó quản lý”, vị này cảnh báo.
Ngoài ra, đại diện phía công an thành phố còn cho biết, tại khu vực chợ ẩm thực hiện nay liên tục có các vụ xô xát xảy ra. Do đó vị đại diện đơn vị này kiến nghị chỉ nên tổ chức chợ Mỹ nghệ.
“Chỉ nên tổ chức chợ Mỹ nghệ thôi, chứ ăn uống hải sản là không ổn vì rất mất trật tự”, vị này cảnh báo thêm.
Theo tổng quan của Dự án, diện tích toàn Khu phố đi bộ và chợ đêm dự kiến 12.000m2 với chiều dài 600m dọc tuyến đường Thuỳ Vân, trong đó chia làm 3 khu gồm: Khu Ẩm thực (A3) là 1.452m2, Khu hoạt động/sự kiện (bao gồm một phần Quảng truờng và đường phía trước) 2.400m2, Khu nhà vệ sinh/tắm nước ngọt 150m2, Khu Phố đi bộ và chợ đêm 8.000m2.
Nguồn: Mạnh Cường, Báo xây dựng
XEM THÊM
Hoàng Minh Châu
17/09/2020
TP HCM - Hệ thống đường hầm hơn 200 km được xây dựng phức tạp, bí ẩn ở Củ Chi sẽ được đệ trình lên UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.
Nội dung này vừa được UBND TP HCM đề cập trong văn bản xin ý kiến Bộ Quốc Phòng về chủ trương lập hồ sơ di tích địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.
Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015 với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo.
Theo UBND thành phố, địa đạo Củ Chi đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).
Cụ thể, đây là một trong những căn cứ cách mạng điển hình và có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Các lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hồng Đào, Trần Hải Phụng... sống và làm việc tại đây, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Sài Gòn - Gia Định. Đây cũng là nơi các lực lượng vũ trang và nhân dân sinh sống, trú ẩn, tổ chức trận địa chiến đấu, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Địa đạo Củ Chi là công trình khoa học quân sự được bảo tồn tốt, gồm một hệ thống đường hầm nhân tạo trong lòng đất với cấu trúc 2 đến 3 tầng thông nhau, dài hơn 200 km; được xây dựng một cách tinh vi, phức tạp, bí ẩn có đầy đủ chức năng để sinh sống và chiến đấu, chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại lúc bấy giờ.
Công trình này còn được đánh giá là chứng tích lịch sử tiêu biểu cho sức mạnh chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân. Nơi đây còn ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật như ứng xử quan hệ giữa người với người, với người dân và kẻ địch từng đối đầu, những câu chuyện tình yêu, tình quân dân...
Ngày nay, di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền bá kiến thức quân sự, khoa học kiến trúc. Đây là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Trước đó, ngày 25/5, UBND TP HCM ra công văn về việc hướng dẫn lập hồ sơ di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đệ trình lên UNESCO ghi vào danh mục Di sản Thế giới gửi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Sau đó, cơ quan này đề nghị thành phố xin ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng về chủ trương này.
UBND thành phố cho biết, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa- Thể thao phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các bước tiếp theo.
Một số tiêu chí cụ thể để được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới của UNESCO: là một tuyệt tác của thiên tài sáng tạo; một ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc, kỹ thuật minh họa một giai đoạn quan trọng trong lịch sử, văn hóa nhân loại; một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay khai thác biển cả, đại diện cho một hay nhiều nền văn hóa...
Nguồn: Trung Sơn, VnExpress
XEM THÊM